0
Song hành cùng chiến thắng vang dội của quân dân ta, những bài ca hào hùng góp phần làm nên Mùa xuân đại thắng.
30 tháng 4 - ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc gợi nhớ  những bài hát của một thời chiến đấu đầy hy sinh gian khổ, nhưng cũng hào hùng, oanh liệt biết bao!
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng ta đã trải qua hai trận quyết chiến chiến lược, giải phóng Tây Nguyên và giải phóng Huế - Đà Nẵng. Qua từng chiến dịch, từng trận thắng lại ra đời những bài hát làm nức lòng người, theo nhịp bước của những đoàn quân đầy khí thế chiến thắng.
Với tinh thần "Kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất…”, các nhạc sĩ trong và ngoài quân đội lúc bấy giờ đã dõi theo từng bước tiến quân, từng trận đánh để “kịp thời nhất, nhanh chóng nhất” có những bài hát hừng hực khí thế chuyển ra mặt trận, phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), cổ vũ, động viên kịp thời quân và dân trên từng chặng đường chiến dịch. Cho đến nay, đó vẫn là những ký ức đẹp về một thời đã qua và còn sống mãi trong tâm hồn của nhiều thế hệ.

Đánh Buôn Ma Thuột

Ngày 11/3/1975, quân đội ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Đến ngày 24/3, toàn bộ vùng Tây Nguyên rộng lớn với hơn 60 vạn dân được giải phóng. Hàng loạt bài hát đã ra đời, như: Những tiếng ca vang trên đất này (Nguyễn Đức Toàn), Tây Nguyên giải phóng (Kpapúi và Tôn Thy), Hát mừng Tây Nguyên giải phóng (Cầm Phong), Tây Nguyên lại bừng lên tiếng hát (Nguyễn Mạnh Thường), Sông Đăkrông mùa xuân về (Tố Hải)… Những bài hát với âm thanh rộn ràng, hùng tráng, vang vọng như tiếng cồng chiêng trong những ngày lễ hội của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đất đỏ.
Ngày 25/3, Bộ Chính Trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa (trước tháng 5/1975). Quân và dân ta triển khai chiến dịch Huế - Đà Nẵng, và đến ngày 26/3 sư đoàn 1 lính ngụy bị ta  tiêu diệt, thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên được giải phóng. Thời điểm này lại vang lên những bài hát mới sáng tác kịp thời: Gửi Huế giải phóng (Nguyễn Văn Thương), Huế của ta ơi (Thanh Phúc), Mùa xuân trên thành phố Huế (Nguyễn Viêm). Tiếp đó là: Các anh về giữa Huế thân yêu (Vũ Thanh), Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương (Văn An)…với những âm điệu mang đậm sắc dân ca - dân nhạc của Trị Thiên Huế, dịu ngọt, da diết, nhưng thúc giục lòng người lập chiến công, xây chiến thắng.
Tiếp đến ngày 28/3, quân ta chia làm 5 cánh, đồng loạt tiến công vào Đà Nẵng phối hợp với các lực lượng tiến công và nổi dậy từ trong lòng địch và đến 15h ngày 29/3/75, Đà Nẵng - một căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của Mỹ đã bị tiêu diệt, thành phố được hoàn toàn giải phóng.

Vào Đà Nẵng

Cùng với chiến thắng vang dội ấy, hàng loạt ca khúc đã ra đời, giàu sức cổ vũ, động viên: Chào Đà Nẵng giải phóng (Phạm Tuyên), Đà Nẵng ơi! Chúng con đã về (Phan Huỳnh Điểu), Hát về Đà Nẵng kiên cường (Cao Việt Bách), Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi (Nguyễn Đức Toàn), Chào Đà Nẵng, dũng sĩ bên bờ biển Đông (Nguyễn An), Sông Hàn vang tiếng hát (Huy Du)…Các bài hát vào thời điểm sôi động này có sức mạnh thông tấn lớn, là tiếng kèn xung trận có tiếng vang mạnh mẽ trong trái tim từng người dân, từng chiến sĩ.
Các tỉnh Bình Định với thành phố Quy Nhơn, Phú Yên với thị xã Tuy Hòa, Khánh Hòa với thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh được giải phóng. Các địa danh này cũng kịp thời vang vọng trong các bài hát như: Bình Định quê ta (Trần Hữu Pháp), Mùa  xuân Quy Nhơn, Mùa xuân Bình Định (Dân Huyền), Quảng Ngãi quê em sáng xuân nay (Ánh Dương), Chào Nha Trang giải phóng (Hoàng Hà), Nha Trang mùa xuân nay biển hát (Thịnh Trường), Những thành phố bên bờ biển cả (Phạm Đình Sáu)…
Từ đầu tháng 4, khắp mọi miền đất nước, tin chiến thắng dồn dập, nhân dân ta đã sống những ngày hào hùng, sôi động chưa từng có. Cả dân tộc ra quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với tinh thần "Đi nhanh đến, đánh nhanh thắng", với khí thế "thần tốc, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng"vượt qua mọi gian khổ, hy sinh đi đến ngày toàn thắng - 30/4.
Khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng Thống chính quyền ngụy, buộc Tổng Thống ngụy quyền Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện thì cũng là lúc quân cách mạng đã làm chủ thành phố. Cả dân tộc trong niềm vui chiến thắng mà trào nước mắt, nhớ lại những ngày máu lửa đã qua, nhớ những người thân, người đồng chí đã ngã xuống không được hưởng niềm vui trọn vẹn này.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.

Niềm vui lớn lao và vĩ đại ấy đã thành khúc nhạc lời ca vang khắp miền Tổ quốc như: Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (Cao Việt Bách - Đăng Trung), Ta đã về Sài Gòn ơi (Văn Dung), Hát về Thành phố tên vàng (Cát Vận), Mùa xuân Việt Nam, mùa xuân toàn thắng (Lưu Cầu), Việt Nam ngày đại thắng (Vũ Thanh), Giữa Sài Gòn giải phóng (Hồ Bắc), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ (Dân Huyền), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng)… Và còn nhiều, rất nhiều những ca khúc khác đã đi vào lòng người trong những ngày tháng 5 không thể nào quên cách đây 38 năm.
Những ngày ấy Đài TNVN tấp nập chưa từng thấy. Các bài hát được duyệt, tập và thu thanh luôn tại Phòng thu số 58 phố Quán Sứ. Nhiều người quên cả ăn cố gắng hoàn thành sớm sản phẩm văn nghệ. Một cuộc thi đua rất thầm lặng nhưng không kém phần hối hả để có chất lượng cao nhất.
Từ đầu buổi chiều ngày 30/4, nhạc sỹ Phạm Tuyên liên tục trả lời phỏng vấn báo chí về bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng”. Thấy ông Tuyên mệt quá, tôi cầm bản nhạc nâng cao lên và nói: Đây là một ca khúc ngắn gọn, dễ thuộc dễ nhớ, ai cũng hát được. Ca khúc này như một tấm “pa nô, áp phích” với kích cỡ cực lớn bằng âm thanh. Bức tranh cổ động ấy chỉ vẽ những đường nét màu sắc hết sức đơn giản, nhưng hiệu quả cổ vũ rất lớn

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

Ca khúc này mang tính khái quát, cô đọng, hàm súc như một tuyên ngôn. Hát mà gần như nói, lại được tác giả khống chế trong một âm vực rất hẹp (quãng 9 - quãng này lứa tuổi thiếu nhi rất dễ hát). Điều quan trọng là tất cả mọi người đồng thanh hát ngay được. Hay hơn nữa là ý tứ của ca khúc đã nói lên được hình ảnh Bác Hồ trong ngày vui của toàn dân tộc, mà suốt đời Người hằng mơ ước và phấn đấu cho sự nghiệp thống nhất nước nhà – dù Người đi xa đã hơn 5 năm.
 Đã 38 năm rồi tôi vẫn không quên buổi chiều ấy mà mỗi khi nghĩ đến lại “vui sao nước mắt lại trào”, như lời bài hát của nhạc sĩ Xuân Hồng./.

Đăng nhận xét

Du Lịch Độc Thân

 
Top