0
Hồ Hoàn Kiếm còn được gọi là Hồ Gươm (trong bản đồ Hà Nội năm 1886, hồ này được gọi là Hồ Hoàn Gươm - Lac de Hoan Guom), là một hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nội. Hồ có diện tích khoảng 12 ha. Trước kia, hồ còn có các tên gọi là hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (trong thời Lê mạt). 


Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần. Tên hồ được lấy để đặt cho một quận trung tâm của Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) và là hồ nước duy nhất của quận này cho đến ngày nay.

Vị trí



Hồ Hoàn Kiếm có vị trí kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ... với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ là Bảo Khánh, Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu.

Lịch sử

Cách đây khoảng 6 thế kỷ, dựa theo bản đồ thời Hồng Đức thì phần lớn xung quanh kinh thành khi ấy là nước. Hồ Hoàn Kiếm là một phân lưu sông Hồng chảy qua vị trí của các phố ngày nay như Hàng Đào, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hàng Chuối. Tiếp đó đổ ra nhánh chính của sông Hồng . Nơi rộng nhất phân lưu này hình thành nên hồ Hoàn Kiếm hiện nay.
Thời Lê Trung hưng (thế kỷ 16), khi chúa Trịnh cho chỉnh trang Hoàng thành Thăng Long để vua Lê ở đã đồng thời xây dựng phủ chúa riêng nằm ngay bên ngoài Hoàng thành và trở thành một cơ quan trung ương thời bấy giờ với những công trình kiến trúc xa hoa như lầu Ngũ Long (dùng để duyệt quân) nằm ở bờ Đông hồ Hoàn Kiếm, đình Tả Vọng trên đảo Ngọc Sơn . Năm 1728 Trịnh Giang cho đào hầm ở vị trí phía Nam hồ để xây dựng cung điện ngầm gọi là Thưởng Trì cung .
Chúa Trịnh cho ngăn hồ lớn thành hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Hồ Hữu Vọng được dùng làm nơi duyệt quân thuỷ chiến của triều đình. Đến đời Tự Đức (1847-1883), hồ Hữu Vọng được gọi là hồ Thủy Quân, còn hồ Tả Vọng chính là hồ Hoàn Kiếm. Từ năm 1884, nhà nước bảo hộ Pháp cho lấp hồ Thuỷ Quân để xây dựng, mở mang Hà Nội .

Truyền thuyết

Sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi có chép:

Khi ấy Nhà vua cùng người ở trại Mục sơn là Lê Thận cùng làm bạn keo sơn. Thận thường làm nghề quăng chài. Ở xứ vực Ma viện, đêm thấy đáy nước sáng như bó đuốc soi. Quăng chài suốt đêm, cá chẳng được gì cả. Chỉ được một mảnh sắt dài hơn một thước, đem về để vào chỗ tối. Một hôm Thận cúng giỗ (ngày chết của cha mẹ), nhà vua tới chơi nhà. Thấy chỗ tối có ánh sáng, nhận ra mảnh sắt, nhà vua bèn hỏi:
Sắt nào đây?
Thận nói:
Đêm trước quăng chài bắt được.
Nhà vua nhân xin lấy. Thận liền cho ngay. Nhà vua đem về đánh sạch rỉ, mài cho sáng, thấy nó có chữ "Thuận Thiên", cùng chữ "Lợi".Lại một hôm, nhà vua ra ngoài cửa, thấy một cái chuôi gươm đã mài-dũa thành hình, nhà vua lạy trời khấn rằng:
Nếu quả là gươm trời cho, thì xin chuôi và lưỡi liền nhau!
Bèn lấy mảnh sắt lắp vào trong chuôi, thành ra một chiếc gươm hoàn chỉnh. Tới hôm sau, hoàng hậu ra trông vườn cải, bỗng thấy bốn vết chân của người lớn, rất rộng, rất to. Hoàng hậu cả kinh, vào gọi nhà vua ra vườn, được quả ấn báu, lại có chữ Thuận Thiên (sau lấy chữ này làm niên hiệu) cùng chữ Lợi. Nhà vua thầm biết ấy là của trời cho, lòng lấy làm mừng, giấu giếm không nói ra. 
Truyền thuyết này được đưa vào nội dung sách giáo khoa của Việt Nam và được viết tiếp đoạn sau, nói về việc Lê Lợi dùng thanh gươm báu đó làm gươm chiến đấu, xông pha chém địch nhiều trận, cuối cùng đuổi được quân Minh, lên làm vua.
Đầu năm 1428, Lê Thái Tổ cùng quần thần bơi thuyền ra hồ Tả Vọng. Nhận lệnh Long Quân, rùa nổi lên mặt nước.
Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Đứng ở mạn thuyền, vua thấy lưỡi gươm bên người tự nhiên động đậy.
Rùa tiến về thuyền vua và nói
- Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!
Vua nâng gươm hướng về phía Rùa Vàng. Nhanh như cắt, rùa há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước.
Từ đó, hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm 

Di tích liên quan

  • Tháp Rùa: nằm ở trung tâm hồ, được xây dựng trong khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4 năm 1886, trên gò Rùa và chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp [13]. Tháp hình chữ nhật. Tầng một: chiều dài 6,28 mét (của 2 mặt hướng Đông và Tây), mỗi mặt có 3 cửa. Chiều rộng 4,54 mét, mỗi mặt có 2 cửa. Các cửa đều được xây cuốn, đỉnh thuôn nhọn. Tầng hai: chiều dài 4,8 mét, rộng 3,64 mét và có kiến trúc giống như tầng một. Tầng ba: chiều dài 2,97 mét, rộng 1,9 mét. Tầng này chỉ mở một cửa hình tròn ở mặt phía Đông, đường kính 0,68 mét, phía trên cửa có 3 chữ Quy Sơn tháp (tháp Núi Rùa). Tầng đỉnh có nét giống một vọng lâu, vuông vức, mỗi bề 2 mét.
  • Đảo Ngọc Sơn: nằm ở phía Bắc hồ, xưa có tên là Tượng Nhĩ (tai voi). Vua Lý Thái Tổ đặt tên là Ngọc Tượng khi dời đô ra Thăng Long và đến đời Trần thì đảo được đổi tên là Ngọc Sơn. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai đã lập ra đền Ngọc Sơn trên nền cung Thuỵ Khánh cũ (bị Lê Chiêu Thống cho người đốt năm 1787 để trả thù các chúa Trịnh). Đền Ngọc Sơn thờ thầnVăn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo.
  • Cầu Thê Húc: dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, do danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865. Tên của cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm"
  • Tháp Bút: trên bờ hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ năm 1865, bao gồm năm tầng. Trên đỉnh là tượng trưng cho một ngòi bút đối lên trời, phần thân có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), thân tầng thứ ba của tháp có khắc một bài Bút Tháp Chí.
  • Đài Nghiên: trên bờ hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ năm 1865, là phần không thể thiếu của Tháp bút. Ba chân kê nghiên là hình tượng ba con cóc. Trên thân nghiên khắc một bài Minh, gồm 64 chữ Hán.
  • Tháp Hoà Phong: trên bờ hướng Đông hồ, là di vật còn sót lại của chùa Báo Ân (bị dỡ bỏ năm 1898) . Tháp cao ba tầng, cửa theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, có các chữ Hán như: Báo Đức môn, Báo Ân môn, Hoà Phong tháp, Báo Thiên tháp, ứng với mỗi cửa của tháp. Tầng một to và cao hơn hai tầng trên cùng. Bốn mặt của tầng hai hình Bát quái. Tầng ba ghi "Hòa Phong Tháp".
  • Đền Bà Kiệu: trên bờ hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, là một di tích hoàn chỉnh nhưng do việc mở đường nên đã tách làm hai phần, Tam quan ở sát bờ hồ, còn Đền thờ ở về phía bên này đường. Toạ lạc theo hướng Nam. Tam quan và Đền thờ (Nhà đại bái) đều có kiến trúc ba gian xây gạch, lợp mái ngói ta. Ngôi đền thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc Nữ.
  • Nhà Thuỷ Tạ: trên mặt bờ hồ hướng Tây Bắc, là một loại hình kiến trúc quan trọng và đặc sắc trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, là địa điểm diễn ra các lễ của Hoàng triều hoặc thờ cúng Thần linh hay các vị Hoàng đế. Ngoài ra, Nhà Thuy Tạ còn là chốn phục vụ nhu cầu ăn chơi cho tầng lớp thống trị, hậu cung, ly cung, biệt cung... có kiến trúc tương đối đơn giản, được xây dựng bên bờ mặt nước như hồ, ao, sông, suối.
  • Đền thờ vua Lê: ở bờ Tây hồ, áp với đình Nam Hương. Đền có tượng vua Lê Thái Tổ đứng trên trụ cao, tay cầm thanh kiếm như phóng xuống mặt hồ.

Hệ sinh vật hồ

Rùa
Rùa hồ Gươm có tên khoa học là Rafetus leloii, họ Ba Ba (Trionychidae) trong bộ Rùa (Testudies), lớp Sauropsida (Mặtthằn lằn). Rùa hồ Gươm gồm có bốn cá thể, trong đó một cá thể còn sống trong hồ và ba cá thể đã chết (một được lưu trong đền Ngọc Sơn, một lưu trong kho của Bảo tàng Hà Nội và một đã bị giết thịt năm 1962 - 1963 khi bò lên vườn hoa Chí Linh).
Là loài rùa lớn sinh sống trong Hồ Gươm. Ngày trước rùa Hồ Gươm rất hiếm khi nổi lên mặt nước. Truyền rằng mỗi lần rùa nổi đều liên quan đến những việc quốc gia đại sự.
Là di sản vô giá gắn với những truyền thuyết lịch sử và văn hoá linh thiêng từ hàng ngàn năm nay, hiện rùa hồ Gươm thuộc diện động vật quý hiếm đang được nhà nước bảo vệ.
Năm 2011, rùa hồ Gươm, được biết chỉ còn một cá thể sống sót, thường được gọi là "Cụ Rùa" đã được trục vớt và trị chữa các vết thương.

Cảm hứng nghệ thuật

Tuy không phải là hồ lớn nhất trong thủ đô, song hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người. Hồ nằm ở trung tâm một quận với những khuphố cổ chật hẹp, đã mở ra một khoảng không đủ rộng cho những sinh hoạt văn hóa bản địa. Hồ có nhiều cảnh đẹp.
Và hơn thế, hồ gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình (trả gươm cầm bút), đức văn tài võ trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh). Do vậy, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy hình ảnh Hồ Gươm làm nền tảng cho các tác phẩm của mình.
Hồ cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà nhiếp ảnh, trong đó nổi tiếng nhất là lão nghệ sĩ Võ An Ninh

Thơ văn

Nguyễn Khuyến xưa có bài thơ vịnh Hà Thành và Hồ Gươm biến dạng cách đây 100 năm như sau:
Cảm-đề
Ba chục năm nay trở lại hồ
Bây giờ cảnh-sắc khác ngày xưa
Nhà tranh đâu cả, toàn lầu gác
Súng lạ đì-đòm tịt trúc tơ
Chim-chóc đi về lầm lối cũ
Cốc cò chiều tối ngủ sương mưa
Đáng thương văn-vật trăm năm ấy
Còn lại bên hồ một đá trơ!
Nguyễn Khuyến
Hà Nội
...
Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao
Trần Đăng Khoa - 1969
Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài nghiên, tháp bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
Á Nam Trần Tuấn Khải
Nghiên Bút Non Sông(Nhạc và lời: Đình Dương) Hãy viết lên trời cao hỡi Tháp bút kiêu hùng Kiêu hãnh ơi Việt Nam anh dũng kiên cường Khí phách đó Hồ Gươm xanh thắm đến muôn đời Chiến tích xưa còn ghi thanh kiếm vẫn sáng ngời...

Âm nhạc

Hà Nội niềm tin và hy vọng
(Nhạc và lời: Phan Nhân)
Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời
Càng toả ngát hương thơm hoa thủ đô
Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô
Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau...
Theo wikipedia

Tour liên quan:

Tour du lịch lễ 30-4: Hà Nội- Tràng An- Bái Đính-Hạ Long-Yên Tử(4 ngày 3 đêm)

Đăng nhận xét

Du Lịch Độc Thân

 
Top