0
Tháp Bánh Ít là một trong bảy cụm Tháp trên đất Bình Ðịnh, một khu di tích đẹp, đặc sắc và còn lại nhiều tháp nhất, có giá trị văn hóa độc đáo trong kiến trúc của Việt Nam, được tạo lập vào giai đoạn cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII, dưới thời trị vì của hai quốc vương Harivarman IV và V. Trước kia tháp Bánh Ít nằm trong phạm vi của làng Tri Thiện, xã Phước Quang, Tuy Phước nên tháp này còn mang tên là tháp Tri Thiện, ngoài ra tháp Bánh Ít còn có những tên gọi khác như tháp Cầu Bà Gi, tháp Thiện Mẫu, Thổ Sơn hay người Pháp gọi là Tour d'argent - tháp Bạc.

Tháp Bánh Ít có bốn ngọn được xây trên một đồi núi đất đỏ, to, cao, trông có vẻ hùng vĩ, uy nghi, vượt hẳn những ngọn tháp khác. Ngọn to nhất cao 22m xây ở đỉnh đồi, nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít lá gai. Chung quanh ngọn tháp chính, còn có ba ngọn tháp phụ, hình dáng thấp và nhỏ bé hơn nhiều. Trong ba ngọn tháp này, có hai ngọn giống như hai chiếc bánh ít ngọt và một ngọn giống cái bánh ít mặn, đều lột trần. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau, trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.
Tháp cổng phía đông cao chừng 13m, xây trên bình đồ hình vuông, mỗi chiều 7m, chất liệu hoàn toàn bằng gạch đá ong. Tháp mở ra hai cửa thông nhau theo hướng Đông - Tây. Ðây là kiến trúc Gopura với vòm cửa hình mũi giáo, có nhiều lớp liên tiếp vút lên phía trên. Hai mặt Bắc và Nam là hai cửa giả, bịt kín.
Thân tháp có những rãnh dọc được xoi lõm, tạo thành những cột ốp có dáng cao vút, thanh thoát nhẹ nhàng.Một tháp cổng phía Nam cao chừng 10m có phần kiến trúc giống tháp cổng phía Đông và cùng phong cách kiến trúc Bình Ðịnh: bình đồ vuông, cửa hình mũi giáo, thân được tạo các cột ốp... Song ở tháp cổng phía nam có những đặc điểm riêng như bốn cửa thông nhau. Ðây là kiến trúc Posah có bộ mái khá đặc biệt, các tầng mái nhỏ dần về phía trên. Mỗi tầng đều có hàng cột thể hiện theo lối thắt giữa, phình ra ở hai đầu trông giống như những quả bầu nậm, tạo cho di tích giá trị riêng biệt.
Tháp chính nằm trên đỉnh đồi, bình đồ hình vuông, mỗi chiều đo được 11m, có một cửa chính ở phía Đông và ba cửa giả. Ðây là kiến trúc Kalan với cửa chính nhô ra khỏi mặt tường đến 2m, vòm cửa hình mũi giáo, chính giữa vòm có phù điêu mặt Kala. Diềm mái vòm là một băng phù điêu hình khỉ thần HaNuMan đang múa. Ở các cửa giả nhô ra ít hơn, diềm mái vòm lại được tạo các phù điêu Gajasimha (mình người đầu voi). Thân tháp chính có năm cột dọc, rãnh kép, vừa làm cho tường vững chãi, vừa tạo dáng thanh thoát. Bộ diềm mái ngăn cách với thân được ốp bằng những khối đá sa thạch, gắn liền với nhau thành một mảng. Ba mái có ba tầng mô tả như thân tháp nhưng nhỏ dần về phía đỉnh. Các tầng mái, ngoài hệ thống cột và cửa giả còn có những bức trang trí hoa văn. Tầng một, ở phía Nam tạc hình sư tử, phía Tây và Đông trang trí bò thần Nadin, phía Bắc thể hiện mặt Kala nhìn thẳng, bên trong tầng còn có những tượng thờ bằng đá.
Cách tháp chính không xa, về phía Nam bạn gặp một kiến trúc lạ mắt, độc nhất vô nhị ở Bình Ðịnh. Tháp cao độ 10m, bình đồ hình chữ nhật, chiều dài 12m, chiều rộng 5m. Cửa chính mở ra phía Đông, dẫn sâu vào lòng tháp, thông với cửa trỏ ra ở phía Bắc và Nam. Ðặc biệt mái tháp được tạo dáng lõm ở giữa, vút lên ở hai đầu, giống hình yên ngựa. Tháp này giống như tháp phụ trong quần thể tháp Poklongarai ở Ninh Thuận. Ðế tháp hơi nhô ra so với thân tháp, xây giật cấp vuông vức tạo thành bệ đỡ vững chắc. Thân tháp có phù điêu chim thần trong tư thế hai cánh giơ cao như nâng đỡ cả phần trên của tháp.
Ðồi núi của tháp Bánh Ít có nhiều trãng to, rộng, ở về cuối làng Huỳnh Kim, đầu các làng Ðại Lộc, Phong Niên, Vạn Mỹ và nằm bên cạnh dòng Tân An, sát cạnh quốc lộ số 1, bên cạnh cây số 1214 cách Qui Nhơn 15 km. Ở đây phong cảnh hữu tình, có gió mát cây xanh, cảnh vật kỳ thú yên tĩnh, có cây trái thơm ngọt trong mùa hè, phơi màu tươi thắm ở trên những trãng của đồi núi tĩnh lặng. Hơn nữa nơi đây có nhiều đá son, có giống chim "tò le" kêu rất kỳ lạ.
Di tích Tháp Bánh Ít cũng hội tụ nhiều nét kiến trúc khác nhau, là một trong những công trình đền tháp lớn nhất còn lại của Vương Triều Chămpa đang được các nhà nghiên cứu quan tâm.

Đăng nhận xét

Du Lịch Độc Thân

 
Top