0
Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hoá, quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình của Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Vì vậy, người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương và núi Ngự.
Huế nổi tiếng không chỉ vì là nơi tập trung những đền đài lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, nơi có những ngôi chùa, nhà thờ, đền đài nổi danh, nơi có những con người với danh xưng “người Huế trầm mặc”, mà Huế còn nổi tiếng vì có một thiên nhiên tươi đẹp. 
Đến Huế, cái cảm giác đầu tiên mà ta bắt gặp chính là đang bước vào một nơi tĩnh lặng, hiền hoà. Trước mắt du khách không phải đối diện với những ngọn núi cao hùng vĩ, chót vót, cũng không phải đối diện với những con sông dài rộng mênh mông sóng cuộn tung bờ mà là một cảnh quan rất thấp, rất nhẹ, rất êm, rất xinh và ngay cả du khách cũng sẽ tiếp xúc với một giọng nói cũng rất “ngang”. Tất cả đó là cảnh quan Huế mà nổi bật lên trên chính là sông Hương và núi Ngự. Con sông và ngọn núi biểu tượng của Huế. Đúng thế, như nhà thơ Bùi Giáng trả lời cho một ai đó hỏi về cảm tưởng của ông về Huế, ông chỉ cười và đáp:
“Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”
Câu thơ lục bát rất đơn sơ, rất ca dao nhưng cũng “rất Huế”. Đừng ai hỏi Huế là gì? Huế là thế nào? Xin thưa “Huế là Huế” là “Hương Bình”.
Kinh qua bao nhiêu đổi thay, qua “bao lớp sống phế hưng”, Huế vẫn tồn tại với sông Hương và núi Ngự, với bao nhiêu nét đẹp đã đi vào thơ ca, đi vào lòng người.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì núi Ngự Bình có tên gọi là Bằng Sơn hay Bình Sơn, một ngọn núi không cao hình dáng giống cái bình phong, hai bên có hai núi đất là Tả Phù Sơn và Hữu Bật Sơn. Từ khi dời phủ về làng Phú Xuân và xây dựng chính dinh ở đây, chúa Nguyễn Phúc Thái tục gọi là chúa Ngãi, lấy Bằng Sơn làm tiền án ở mặt chính nam nên đổi tên là Ngự Bình Sơn. Từ đó về sau Ngự Bình Sơn là một trong những ngọn núi rất quan trọng trong việc xây dựng kinh thành Huế của các vua nhà Nguyễn. Ngay từ thời Nguyễn Huệ còn làm Bắc Bình Vương, khi nghe quân Thanh kéo 20 vạn quân sang xâm lấn nước ta, Nguyễn Huệ đã lập đàn tế cáo trời đất trên ngọn Hữu Bật Sơn, lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung và tiến quân ra Bắc. Xem thế thì Ngự Bình là một ngọn núi rất quan trọng.
Ngày xưa từ chân núi lên đến đỉnh núi các vua chúa cho trồng thông, quanh năm xanh tốt. “Thông reo núi Ngự” chính là vì thế. Nhìn ngọn Ngự Bình cùng hai ngọn Tả Phù - Hữu Bật trông giống như con phượng hoàng đang xoè cánh che chở cho đế thành. Đây ngày xưa cũng là nơi dập dìu tới lui của các cặp tài tử giai nhân vào những tiết tốt như thanh minh, nguyên tiêu, trùng cửu. Đứng trên đỉnh Ngự, lắng nghe tiếng thông reo có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh kinh thành Huế ẩn hiện những lâu đài thành quách, mái chùa cổ kính giữa một màu xanh của cây cối và sông Hương như giải lụa uốn lượn quanh co.
Ngay trước tầm mắt là các khu đồi, là rừng thông bát ngát tiếp đến một vùng đồng bằng rộng lớn của các huyện: Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà cỏ cây xanh rờn..., xa hơn là dãy Trường Sơn trùng điệp một màu tím thẫm ẩn hiện sau những tầng mây bạc. Nhìn về phía đông, là những dải cát trắng mờ phía xa cửa Thuận An với màu xanh thăm thẳm của Biển Đông. Núi không cao, không cheo leo gập ghềnh nhưng núi Ngự mang cái dáng vẻ của một con người trầm tư mặc tưởng, thanh thoát lâng lâng hồn người.
Cái đẹp của núi Ngự không phải là về mặt phong thủy che chở cho kinh thành Huế, cái đẹp của núi Ngự chính là chỗ nó gần gũi với dân Huế, nó trở thành một cái đài, một ngôi lầu cao vút và lên đó theo những bậc cấp nhân tạo người ta có thể phóng tầm mắt mình chiêm ngưỡng vẻ đẹp dịu hiền của thành Huế, lắng nghe những tiếng vọng từ bên dưới rất xa, và có cảm tưởng như mình đang ở vào một thế giới nào đó, thoát tục.
Đông qua, xuân lại, thời gian biến chuyển đổi thay, đã gần hơn nửa thế kỷ nay, cây cối trên núi hầu như không còn. Những năm gần đây, núi Ngự đã được sống lại. Từ xa du khách có thể thấy được các cụm thông trên núi, tuy chưa lớn lắm nhưng cũng đã phủ xanh được ngọn núi này, những ngày lộng gió, đứng dưới chân núi ta lại bắt đầu nghe điệu nhạc thông réo rắt. Và mấy năm trở lại đây, một nét văn hoá cố đô rất đáng hoan nghênh là vào những ngày đẹp trời, vào dịp Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, trùng cửu, từng đoàn trai thanh gái lịch đã về đây, tiếp bước người xưa lên núi hái lộc, ca xướng ngâm vịnh. Cái sinh khí đã trở lại hứa hẹn cho Huế một tương lai sán lạn.
Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hoá, quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình của Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Vì vậy, người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương - núi Ngự.

Đăng nhận xét

Du Lịch Độc Thân

 
Top