0

Ðêm đêm, nếu từ bờ biển Quy Nhơn phóng tầm mắt ra khơi xa, giữa hàng trăm đốm sáng của ghe chài lung linh tựa hoa đăng: du khách sẽ bị cuốn hút vào một ngọn đèn xanh lúc ẩn, lúc hiện, vừa huyền diệu, vừa bí ẩn . Ðó chính là ngọn hải đăng trên đảo Cù Lao Xanh, một hòn đảo đẹp của TP. Quy Nhơn, Bình Ðịnh.

Cù lao Xanh cách bến Hàm Tử - Quy Nhơn 28 km, đi ghe 3 lốc khoảng 1 giờ 45 phút tới ngay xã Nhơn Châu trên đảo với chừng 2.500 cư dân. 

Cù Lao Xanh còn gọi là đảo Vân Phi là một hải đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, thuộc xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Đảo có tổng diện tích trên 450ha trong đó có 75% diện tích là đồi núi đá và rừng cây, dân số khoảng: 2500 người gồm các thôn: Thôn Tây (trung tâm), Thôn Trung, Thôn Đông. 



Đảo cách xã Xuân Hoà (Sông Cầu - Phú Yên) 6 km, cách bến Hàm Tử - Quy Nhơn 28 km. Cù Lao Xanh nguyên là đất của tỉnh Phú Yên được sáp nhập về Quy Nhơn sau năm 1975.

Trong chủ trương phát triển tiềm năng kinh tế và an ninh quốc phòng biển, đảo: Cù Lao Xanh đang được xây dựng án xây dựng "Đảo Thanh niên", trong đó có những công trình lớn như kéo cáp điện ngầm từ đất liền, trang bị 3 tàu chuyên dụng vận tải khách và hàng hoá với công suất lớn; xây dựng một bến đậu tàu thuyền...v.v




Gần đây, đảo được biết đến là một điểm tham quan, du lịch lặn hấp dẫn. Nơi đây có nguồn tài nguyên biển khá dồi dào và phong phú, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái nhưng chưa được khai thác và bảo vệ hợp lý.

Muốn ra đảo phải đi tàu, tàu đi Cù Lao Xanh - Nhơn Châu thường xuất bến Hàm Tử khoảng từ 13h00-13h30, qua đến NC là đã chiều tối (nếu đi ghe 3 lốc chỉ mất khoảng 1 giờ 45 phút).

Hoặc tiện hơn có thể xuống Bãi Xếp, thuê thuyền của ngư dân đi Cù Lao Xanh, từ đây xuất phát đi Nhơn Châu có thể rút ngắn được một quảng đường biển khá dài, đỡ bớt say sóng.



Vào năm 2008: ngoài ấy chỉ có nhà nghỉ của ủy ban xã dành cho cán bộ còn người ngoài chỉ có cách ngủ nhờ nhà dân. Thời ấy phải nhớ đem theo giấy CMND bởi vừa bước xuống đảo là có mấy chú bộ đội "hỏi thăm" liền.

Từ cầu cảng trên đảo đi bộ một cây số nữa ra gành Bấc - nơi có thể tắm táp và đuổi bắt cá. Buổi sáng đầu tháng tám, trời rực nắng, nước càng trong vắt và dường như mọi sinh hoạt trong lòng biển đều có thể thấy bằng mắt thường. Tại đây có rất nhiều loại cá như cá chim, cá kình, cá mó, cá phèn, cá lao... không lớn lắm nhưng vừa đủ "sơi". Gom củi rừng, xỏ xiên cá nướng chấm muối ớt, chén ngay tại bãi - tươi ngọt và thơm lừng! Số còn lại mang về nhà dân nhờ nấu canh chua lá giang làm bữa cơm đảo thú vị. 



Không chỉ có đuổi bắt, bạn mang theo cần câu còn hấp dẫn hơn, trong các vũng nước quanh các ghềnh đá, cá đang lượn lờ và vờn mồi trước mặt để câu. Hoặc đem theo khều móc nạy hào, ốc kẹp bám theo đá nấu cháo. 

Hào có thể dùng ngay bằng cách hơ trên lửa, hào há miệng, vắt chanh lên; điệu nghệ hơn nặn chút mù tạt là ăn được ngay. Đến đảo, bạn nên liên hệ trước với dân địa phương để mượn đồ nghề hay mời họ cùng đi dã ngoại. Và nhờ nấu cơm "gia đình" vì ở đây không có quán cơm, dịch vụ ăn uống. Hoặc liên hệ nhà ghe, họ có thể chuẩn bị lưới, cần câu... và tổ chức nấu nướng, ăn ngủ luôn trên ghe. 

Đăng nhận xét

Du Lịch Độc Thân

 
Top